Một đất nước mà có được vài nhà Thông thái đã là may mắn lắm rồi, vì trí tuệ và tri thức của họ sẽ làm cho tổ quốc mình giàu mạnh văn minh. Quả thực đó là niềm vinh dự lớn, nhưng có điều không phải quốc gia nào cũng có được. Ấy thế nhưng Việt Nam chúng ta cả nước đều là nhà Thông Thái, thử hỏi như vậy thế giới không ganh tị sao được, đất nước làm sao mà không phát triển hùng cường cơ chứ? Một dân tộc mà toàn người thông minh như vậy thì đến người Do Thái cũng phải chịu thua, nhường ngay cái đệ nhất chỉ số IQ cho Việt Nam ta rồi. Đó là sự thực trăm phần trăm, còn tin hay không là tùy ở quý vị.
Chuyện là thế này.
Sau mấy chục năm “quá độ” để đi lên chủ nghĩa xã hội, hệ quả là bây giờ Việt Nam trở thành một đất nước không có pháp luật. Xã hội rối ren, người ta luôn phải chấp nhận quy luật mạnh được yếu thua, quyền lực thống trị xã hội. Người dân vô cùng khổ sở với cái mô hình “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” này, chẳng thấy ai chịu trách nhiệm, chỉ thấy hậu quả trút cả hết lên đầu nhân dân. Vì vậy cho nên, về thực chất thì nội tình xã hội đã rối như canh hẹ, nhưng bề ngoài thì dường như vẫn yên bình nhờ sự quan tri của lực lượng công an và quân đội.
Cái khó của các cơ quan chức năng ở Việt Nam là rất khó làm tròn nhiệm vụ của mình. Vì rằng với một xã hội vô pháp luật như vậy, thì không có điểm tựa nào để mà thực thi chức trách. Lỗi này không thuộc về các cơ quan chức năng hay người thi hành công vụ, vì thực ra mà nói, họ có muốn làm tốt cũng không thể được. Do đó mà các cơ quan này chỉ còn tồn tại mang tính hình thức, nhiệm vụ mà xã hội giao cho đành phó mặc trời xanh.
Chúng ta cũng có những cơ quan để quản lý chất lượng hàng tiêu dùng. Cơ quan này do nhà nước thành lập và trả lương, nhân dân tin tưởng giao phó trách nhiệm (Về lý là như vậy). Không phải những người làm công việc này không có tâm hay trách nhiệm, mà vì họ thực sự bất lực trước nạn hàng lậu, hàng nhái trên thị trường. Vì rằng để kiểm soát được thì cần sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng. Chỉ riêng một cơ quan làm tốt thôi thì không đủ, và cũng không thể. Thế rồi hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái tràn ngập thị trường. Điều đó khiến quyền lợi của người tiêu dùng bị vi phạm và đe dọa nghiêm trọng. Người dân kêu la và oán trách khắp nơi. Trước thực trạng đó thì cơ quan hữu trách cũng phải làm một điều gì đó. Quý vị có hình dung họ đã làm gì không? Người ta cử một vị quan chức lên ti-vi và nói với toàn dân rằng: “Hiện nay vấn đề hàng lậu, hàng giả đã trở thành vấn nạn. Để tự bảo vệ mình, chúng tôi kêu gọi toàn thể nhân dân hãy trở thành những nhà tiêu dùng Thông Thái”. Khách hàng ai cũng phải tiêu dùng, vậy thì cả nước Việt Nam trở thành nhà Thông Thái rồi còn gì?
Nghe vậy, người dân lý luận lại rằng: “Đã là nhà Thông Thái thì cần gì đến các cơ quan chức năng để phải trả lương cho tốn tiền?”.
Tôi cho rằng người dân nói đúng, vì đã thông thái thì cái gì cũng biết rồi, còn cần gì ai nữa? Đồng thời cái vị quan chức nói trên Ti-vi cũng đúng (và có phần thâm thúy nữa), vì kêu gọi người dân tự bảo vệ mình và gia đình là cách tốt nhất trong lúc này. Chứ đợi các cơ quan chức năng đổ lỗi cho nhau (ở đâu thế nào thì không biết), chứ ở Việt Nam thì có mấy ngàn năm nữa cũng chưa tìm ra ai chịu trách nhiệm.
Vừa rồi ở ta có dịch tai xanh ở Lợn (triệu chứng suy hô hấp và hệ miễn dịch). Dân chúng hoang mang và lo sợ bệnh này có thể lây sang người. Con Lợn nào mà mắc chứng bệnh này thì tai có màu xanh, dĩ nhiên là còn nhiều triệu chứng khác nữa, nhưng người ta cứ gọi là dịch tai xanh cho nó tiện và dễ nhớ. Vì vậy mà khâu kiểm dịch là điều rất cần thiết trong lúc này. Phương pháp là thế này, anh cán bộ kiểm dịch địa phương được phát một con dấu thú y. Nếu anh đóng dấu vào con lợn nào thì coi như đạt mọi tiêu chuẩn an toàn và được phép bán ra thị trường. Vậy là anh cán bộ kiểm dịch mới học hết lớp 4 nghiễm nhiên trở thành quan kiểm dịch. Người bán hàng ai cũng khúm núm quỵ lụy anh, người ta đua nhau biếu xén anh. Có chút tiền, anh huyênh hoang ra mặt, tối ngày ăn nhậu say xỉn. Cứ đầu buổi chợ là anh chân nam đá chân chiêu, đi từ đầu hàng thịt đến cuối hàng thịt, cứ mắt nhắm mắt mở mà đóng một cái cộp vào những tảng thịt lợn bày trên kệ. Đôi lúc đi nhanh quá mà đóng sót một vài tảng thịt, người ta chạy theo đòi, anh liền quay lại đóng một cái thật mạnh và điệu nghệ như thợ bậc 7 vậy. Sau khi chắc chắn đã đóng dấu đủ, anh xách vài xâu thịt người ta biếu, và cũng chẳng cần quan tâm là thịt người ta biếu mình có bị dịch tai xanh không nữa.
Có hôm chứng kiến một cụ già đang mua thịt lợn ở chợ, người kế bên hỏi cụ:
- Cụ không sợ dịch tai xanh à?
Cụ thủng thẳng trả lời:
- Tôi chỉ sợ dịch tai đỏ thôi.
Một thời gian mọi người đồn rằng anh kiểm dịch ở chợ bị ốm chết, triệu chứng rất giống với dịch tai xanh. Lúc anh chết, người ta thấy cái tai cứ chuyển dần sang màu xanh biêng biếc. Lúc này ai nấy đều giật mình, rồi cùng tự hỏi xem mình có phải là nhà Thông Thái hay chưa?
Minh Văn
Đất nước của những Nhà Thông Thái
4/
5
Oleh
Daviddo